Đóng góp xã hội
Sân chơi "Ý tưởng trẻ thơ"

1. Giới thiệu về Sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ” - “Hãy là nhà phát minh tí hon”

 Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường các hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học, khơi dậy trong các em niềm đam mê sáng tạo để vươn tới những ước mơ và mong muốn biến những ước mơ đó thành hiện thực, từ năm 2008, Công ty Honda Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phát động Sân chơi “Ý tưởng Trẻ thơ” với chủ đề “Ý tưởng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn” dành cho học sinh tiểu học trên phạm vi cả nước. Đây là một hoạt động giáo dục có ý nghĩa, tạo sân chơi hấp dẫn, thú vị, giúp các em học sinh có hứng thú để học tốt các môn học/ hoạt động giáo dục nhằm phát triển năng lực và nhân cách cho học sinh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, thiết thực và hiệu quả.

2. Nội dung sân chơi

Bằng cách quan sát cuộc sống và thế giới xung quanh, học sinh tự do đưa ra ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, phát minh về các sản phẩm mang tính chuyển động (Ví dụ: ô tô, xe máy, máy bay…) để có cuộc sống tốt đẹp hơn gắn liền với việc bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức an toàn giao thông, sau đó vẽ tranh thể hiện ý tưởng của mình

·  Đối tượng tham gia: Trẻ em Việt Nam hiện đang là học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Các em có thể tham gia với tư cách các nhân hoặc theo nhóm (tối đa 03 thành viên/nhóm)

·  Cách thức tham gia:

- Học sinh vẽ tranh - Thể hiện ý tưởng trên khổ giấy A3 với chất liệu phù hợp;

- Học sinh tự chuyển tranh vẽ thành mô hình (đối với những học sinh có tranh vẽ được Ban Tổ chức đánh giá tốt và có thông báo từ Ban Tổ chức tới học sinh)

- Học sinh tự thuyết tình ý tưởng thể hiện qua mô hình  (đối với học sinh có mô hình được Ban Tổ chức đánh giá tốt và có thông báo từ Ban Tổ chức tới học sinh)

- Ban tổ chức trao giải cho những học sinh có ý tưởng, mô hình và thuyết trình được đánh giá xuất sắc nhất.

· Yêu cầu:

- Các tranh vẽ phải truyền tải được ước mơ của trẻ thơ, các ý tưởng thể hiện phải có tính sáng tạo, không được sao chép.

- Tranh vẽ sai khổ giấy hoặc sai chủ đề (chân dung, tĩnh vật, phong cảnh…) sẽ không hợp lệ.

- Ý tưởng và tranh vẽ của học sinh phải chưa từng tham gia và đạt giải tại các cuộc thi nào.

- Mỗi học sinh hoặc nhóm học sinh (tối đa 03 thành viên/nhóm) chỉ được gửi tối đa 05 ý tưởng (05 bức tranh) về Ban Tổ chức.

  - 60 (sáu mươi) bức tranh thể hiện ý tưởng tốt nhất sẽ được Ban Tổ chức chọn và thông báo tới học sinh để các em chuyển ý tưởng từ tranh vẽ thành mô hình gửi về Ban Tổ chức. Học sinh phải thể hiện ý tưởng bằng phát minh cụ thể, dựng thành mô hình mang cơ chế chuyển động (không bắt buộc chuyển động được) và gửi kèm theo 01 bản thuyết trình giải thích ngắn gọn về ý tưởng của mình (tên ý tưởng, ước mơ của em khi vẽ bức tranh này, cơ chế hoạt động của mô hình v.v)

+ Mô hình phải được thể hiện bởi chính các em học sinh. Bố mẹ, thầy cô, gia đình có thể hỗ trợ nhưng không được làm thay cho học sinh.

+ Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ 700.000đ cho mỗi ý tưởng khi được chuyển thành mô hình (500.000đ dành cho học sinh và 200.000đ dành cho thầy cô giáo hỗ trợ học sinh làm mô hình).

+ Từ 60 mô hình, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn 30 mô hình tiêu biểu nhất để tham gia giao lưu và thuyết trình tại Hà Nội. Căn cứ vào kết quả, Ban Tổ chức sẽ trao giải cho các học sinh có ý tưởng xuất sắc nhất.

Cụ thể như sau:

02 Giải Nhất: Mỗi giải trị giá 20 triệu đồng

02 Giải Nhì: Mỗi giải trị giá 14 triệu đồng

02 Giải Ba: Mỗi giải trị giá 8 triệu đồng

04 Giải Honda: Mỗi giải trị giá 4 triệu đồng

20 Giải Khuyến khích: Mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.

• Cùng với các phần thưởng cá nhân, các trường tiểu học có học sinh đạt giải Nhất, Nhì và Ba sẽ được nhận phần thưởng có giá trị tương ứng 60, 50 và 40 triệu đồng (bằng hiện vật)