Honda | Xe máy | Cuộc thi Lái xe Sinh thái | Tin tức | Chi tiết
HONDA Việt Nam
Trang chủ Xe máy Cuộc thi Lái xe Sinh thái Tin tức
Tin tức

06/02/2019

Quy định cuộc thi EMC 2019

     
 
CUỘC THI
LÁI XE SINH THÁI - TIẾT KIỆM NHIÊN LIỆU Honda 2019
NĂM THỨ 10 TẠI VIỆT NAM  

QUY ĐỊNH CUỘC THI

     
  ▼ Thời gian:                   20/4/2019 (Thứ bảy)   Chạy thử
                (dự kiến)             21/4/2019 (Chủ nhật) Thi đấu chính thức
  ▼Địa điểm:                       Trung tâm Hội nghị Quốc Gia
                (dự kiến)              Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội

MÔ TẢ CUỘC THI

LÁI XE SINH THÁI – TIẾT KIỆM NHIÊN LIỆU

 

Lái xe sinh thái - Tiết kiệm nhiên liệu Honda là cuộc thi trong đó người tham gia sẽ ứng dụng các ý tưởng và công nghệ độc đáo để chế tạo ra những phương tiện sử dụng động cơ 4 kỳ của Honda đi được quãng đường xa nhất chỉ với 1 lít xăng

 

Tên cuộc thi:                  Cuộc thi Lái xe sinh thái –Tiết kiệm nhiên liệu Honda 2019

                                      Năm thứ 10 tại Việt Nam

Thời gian:                      20/4/2019 (Thứ 7)     Chạy thử

(dự kiến)                      21/4/2019 (Chủ nhật) Thi đấu chính thức

 Đơn vị tổ chức:              Công ty Honda Việt Nam (HVN)

 Địa điểm tổ chức:          Trung tâm Hội nghị Quốc Gia

(dự kiến)                      Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội                                

Thời gian đăng ký:         25/09/2018 tới 31/10/2018 (theo dấu bưu điện)                               

Số lượng tham dự:         162 đội

<Phân nhóm > 

- Nhóm I: Hạng mục Xe tự chế -Nhóm học sinh, sinh viên

- Nhóm II: Hạng mục Xe tự chế - Nhóm Doanh nghiệp

     - Nhóm III: Hạng mục Xe tự chế - Nhóm nội bộ Honda Việt Nam

ĐĂNG KÝ DỰ THI - QUY TRÌNH THI ĐẤU

1.  Đăng ký dự thi

Để tham dự cuộc thi Lái xe sinh thái – Tiết kiệm nhiên liệu Honda, đề nghị tải Đơn đăng ký tham dự Bản cam kết từ website chính thức của Cuộc thi https://honda.com.vn, in ra trên giấy A4, điền đầy đủ các thông tin cần thiết, ký tên, đóng dấu (nếu từ tổ chức) và gửi đến Ban tổ chức qua đường bưu điện trong thời gian từ 25/09/2018 tới 31/10/2018.

Ban tổ chức sẽ kiểm tra Mẫu đăng ký và gửi lại xác nhận tham gia qua đường bưu điện hoặc thư điện tử.

Nếu không thể tải mẫu đăng ký từ trang web, xin hãy liên hệ trực tiếp tới Ban tổ chức.

2.  Xét tuyển / Kiểm tra phương tiện

Xét tuyển: Đội thi được coi là chính thức tham gia vào cuộc thi sau khi hoàn thiện mọi thủ tục đăng ký đúng thời hạn.

Kiểm tra phương tiện: Các phương tiện được kiểm tra theo Quy định cuộc thi để đảm bảo có thể vận hành an toàn.

3. Cung cấp nhiên liệu

Vào ngày thi đấu, mỗi đội tham gia sẽ được Ban tổ chức cho mượn một bình nhiên liệu 180cc với nhiên liệu chính thức sử dụng trong cuộc thi.

4. Đo lường nhiên liệu ban đầu

Trước khi lái xe, lượng nhiên liệu ban đầu sẽ được đo và xác nhận bởi thành viên Ban tổ chức và Đội trưởng.

5. Điều chỉnh lượng nhiên liệu

Ngay trước khi chạy, thành viên Ban tổ chức sẽ bổ sung lượng nhiên liệu đã sử dụng trước đó (như quá trình khởi động,…). Mức nhiên liệu sẽ được điều chỉnh đến vạch tham chiếu trên bình nhiên liệu và được xác nhận bởi thành viên Ban tổ chức và Đội trưởng.

6. Thi đấu

 Các đội xuất phát lần lượt theo thứ tự bốc thăm, mỗi lượt một đội.

Mỗi xe phải chạy ở tốc độ trung bình thấp nhất là 25 km/h trong số lượng vòng quy định. 

7. Đo lượng nhiên liệu sau khi về đích

 Vòng thi của một đội kết thúc khi xe đi qua vạch đích và cờ về đích được phất lên.

Sau đó, lượng nhiên liệu còn lại sẽ được đo và xác nhận bởi thành viên Ban tổ chức và Đội trưởng.

Trong một số trường hợp, việc kiểm tra lại và giữ xe có thể được tiến hành.

8. Lễ trao giải

Sau khi tất cả các đội thi đã hoàn thành xong phần thi đấu của mình, thành tích của các đội đã được ghi nhận, kết quả chính thức sẽ được công bố.

Các giải thưởng sẽ được trao cho các đội chiến thắng ở mỗi nhóm.

CHƯƠNG I

ĐIỀU KHOẢN THAM GIA

Điều 1. Phân nhóm:

      Hạng mục Xe tự chế:

Hạng mục dành cho cá nhân và các tổ chức, công ty tham gia tự chế tạo các phương tiện sử dụng động cơ 4 kỳ từ 108 đến 110cc do Honda Việt Nam sản xuất. Các đội dự thi nhóm xe này đăng ký vào:

- Nhóm I: học sinh, sinh viên

- Nhóm II: doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân

- Nhóm III: nội bộ Honda Việt Nam

Điều 2. Đăng ký dự thi

1. Thời hạn đăng ký:

Từ 25/09/2018 tới 31/10/2018 tính theo dấu bưu điện.

Số lượng đội mỗi nhóm:

- Nhóm I ………………. 149 đội

- Nhóm II ……………… 16 đội

- Nhóm III …………….. 6 đội

Tổng: 171 đội

* Thời hạn đăng ký có thể kết thúc khi đã đủ số lượng đăng ký cho từng Nhóm.

* Không chấp thuận các trường hợp đăng ký trước hoặc sau thời hạn đăng ký.

* Dựa vào số lượng đăng ký, số lượng của mỗi nhóm có thể thay đổi.

Tất cả các thông tin thay đổi sẽ được thông báo chính thức.

2. Cách thức tham dự:

1) Tải Đơn đăng ký tham dựBản cam kết từ trang web chính thức https://honda.com.vn

2) Điền đầy đủ các thông tin cần thiết theo mẫu và gửi đến Ban tổ chức qua đường bưu điện trong thời hạn đăng ký.

3) Ban tổ chức sẽ kiểm tra bản đăng ký và danh sách các đội tham dự chính thức sẽ được công bố trên website của chương trình.

4) Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Ban tổ chức và Đội dự thi.

[Địa chỉ nhận thư đăng ký]

Nguyễn Minh Huyền

Phòng Kế Hoạch Phát triển Thương hiệu

Công ty Honda Việt Nam

Tầng 7, Tòa nhà Viet Tower

Số 1 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Email: sl_nm_huyen@honda.com.vn

Điện thoại: 024. 62567567 (máy lẻ: 498)

Vui lòng ghi rõ trên bì thư:

“Cuộc thi Lái xe sinh thái - Tiết kiệm nhiên liệu Honda 2019”

Website chính thức:

https://honda.com.vn

Facebook:

https://www.facebook.com/hondaemc

3. Số lượng thành viên:

- Mỗi đội bao gồm 05 thành viên:

Đội trưởng - 1 người

Lái xe - 1 người

Kỹ thuật viên/người hỗ trợ - 3 người

* Mỗi lái xe chỉ được điều khiển 1 xe duy nhất vào ngày thi chính thức.

* Một phương tiện chỉ đăng ký một lần duy nhất.

* Không chấp nhận các trường hợp mà đội trưởng đồng thời là người lái xe.

* Đội nhóm I: 4/5 thành viên trong đội bắt buộc phải là học sinh/ sinh viên.

Lái xe và đội trưởng bắt buộc phải là sinh viên.

* Đội trưởng phải từ 20 tuổi trở lên.

[Giới hạn độ tuổi]

Người lái xe phải từ đủ 18 tuổi trở lên và có Giấy phép lái xe mô tô hạng A1 hợp lệ.

Bất kỳ thành viên nào từ đủ 15 tuổi tới dưới 18 tuổi vào ngày thi chính thức cần có sự chấp thuận của bố mẹ hoặc người giám hộ và phải đính kèm cùng Đơn đăng ký tham dự.

Điều 3. Đặt tên đội

Đội được tự do chọn tên gọi của đội, nhưng phải tuân thủ các điều khoản sau đây:

1. Tên đội có thể bao gồm chữ cái và chữ số, độ dài không vượt quá 10 ký tự.

2. Không sử dụng thương hiệu các hãng hay tên các sản phẩm có mặt trên thị trường, trừ thương hiệu hay tên sản phẩm của tổ chức/ đơn vị đội đăng ký.

* Ban tổ chức được quyền yêu cầu thay đổi tên đội trong trường hợp cần thiết.

Điều 4. Thay đổi sau khi đăng ký

Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào về Người lái xe, Tên đội, Thành viên đội hay Tên phương tiện sau khi đăng ký dự thi, đội thi phải gửi thông báo tới Ban tổ chức qua đường bưu điện.

Điều 5. Chấp thuận tham dự

Ban tổ chức sẽ nhận đăng ký tham dự từ các đội và danh sách các đội tham gia thi đấu chính thức sẽ được gửi tới các đội thi và cập nhật trên website chính thức của cuộc thi sau khi hết hạn đăng ký. Việc đăng ký sẽ không được chấp nhận nếu có bất kỳ thiếu sót nào về thông tin yêu cầu trong đơn đăng ký.

Điều 6. Lịch trình

Lịch trình sẽ được thông báo chính thức đến các đội sau khi thời hạn đăng ký kết thúc.

Điều 7. Hỗ trợ

Ban tổ chức hỗ trợ một phần kinh phí cho việc chế tạo và tham gia cuộc thi.

Thông tin về mức hỗ trợ được thông báo chính thức trên website: https://honda.com.vn

Điều 8. Báo cáo cấu trúc phương tiện

Các đội tham gia phải điền đầy đủ thông tin yêu cầu trong Báo cáo cấu trúc phương tiện, hình ảnh thực tế xe dự thi và gửi tới Ban tổ chức qua đường bưu điện đúng thời hạn.

* Nếu có bất kỳ thay đổi nào sau khi đã gửi Báo cáo cấu trúc phương tiện, các đội phải gửi lại báo cáo bổ sung những thay đổi.

Điều 9. Đăng ký (vào ngày thi đấu)

1) Vào ngày thi đấu, địa điểm và thời gian Đăng ký sẽ được thông báo chính thức. Mỗi đội tham dự sẽ cử người đại diện để hoàn thành các thủ tục vào thời gian cụ thể.

2) Sau khi hoàn tất Đăng ký, các đội sẽ được cung cấp giấy dính để dán lên thân phương tiện (gần vị trí dán số xe) như một bằng chứng cho việc hoàn thành thủ tục Đăng ký tham dự cuộc thi.

3) Tại thời điểm Đăng ký, các đội cũng sẽ được phát thiết bị đo tự động (transponder) để gắn vào thân xe.

(Xem Mục 3 – Điều 3 để biết cách gắn thiết bị đo tự động).

Điều 10. Kiểm tra phương tiện và thiết bị

Vào ngày Chạy thử, tất cả các phương tiện bắt buộc phải tham gia kiểm tra phương tiện.

Địa điểm và thời gian tiến hành kiểm tra phương tiện sẽ được chỉ định qua thông báo chính thức.

1)  Mỗi đội tham dự sẽ tiến hành việc Kiểm tra phương tiện trong thời gian cụ thể.

2) Việc kiểm tra phương tiện sẽ được tiến hành dưới cùng điều kiện đối với phương tiện, người lái xe trước khi thi đấu. Khi kiểm tra, người có khả năng trả lời chính xác các vấn đề về kết cấu xe mà thành viên Ban tổ chức đưa ra cần có mặt.

[Kiểm tra lại]

Lịch kiểm tra lại sẽ được thông báo chính thức.

1)  Bất kỳ phương tiện nào bị đánh giá là vi phạm quy định hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn có thể được phép kiểm tra lần thứ hai (Kiểm tra lại) sau khi đội tham gia đã sửa chữa, điều chỉnh.

Nếu phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn khi Kiểm tra lại sẽ không được phép tham gia thi đấu.

Trong một số trường hợp, việc chạy thử sẽ được tiến hành với phương tiện đang tiến hành việc Kiểm tra lại.

2) Nếu thời gian cho việc thay đổi hay sửa chữa kéo dài quá lâu khiến cho không thể tiến hành kiểm tra lại trước vòng chạy thử, việc Kiểm tra lại có thể được tiến hành vào ngày thi đấu chính thức.

3) Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức có thể tiến hành kiểm tra phương tiện (kiểm tra toàn bộ) và tạm giữ phương tiện nếu cần thiết.

Điều 11. Kiểm tra trước khi xuất phát

Vào ngày thi đấu chính thức, các đội tham dự phải tiến hành kiểm tra trước khi xuất phát trong khoảng thời gian đã được thông báo trước.

Điều 12. Trang phục

1)    Lái xe phải đội mũ bảo hiểm cả đầu do Honda Việt Nam sản xuất, không bị hư hỏng hay nứt vỡ, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam (với xe có lắp capo thì không cần kính, còn không có lắp capo che kín thì phải có kính).

2) Lái xe phải mặc áo dài tay, quần dài, đeo găng tay và đi giầy. Không được phép để chân trần hoặc dép các loại trong khi lái xe. Trang phục cần đảm bảo tính an toàn cho người lái.

* Lái xe cần đảm bảo khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân không bị hở khi đang lái xe.

3) Tất cả các thành viên đội thi phải mặc trang phục đảm bảo an toàn, quần, áo dài tay, đi giầy trong quá trình tham dự chung kết cuộc thi.

 

CHƯƠNG II

LUẬT THI ĐẤU

Trong cuộc thi, các phương tiện phải được chế tạo theo các quy định được trình bày sau đây, các phương tiện phải thi đấu trên một đường chạy xác định trong khoảng thời gian cụ thể. Mức tiêu hao nhiên liệu của mỗi phương tiện sẽ được đo lường.

* Các phương tiện sử dụng cho cuộc thi không được phép tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

* Chạy thử không được ghi nhận là một hạng mục của cuộc thi, tuy nhiên phương tiện cần phải tuân theo các quy định này trong quá trình chạy thử. Các đội tham gia phải tuân thủ các quy định chi tiết trong thông báo chính thức phát trước cuộc thi.

Điều 1. Thi đấu chính thức

1) Tốc độ chạy: Mỗi phương tiện chạy ở tốc độ trung bình tối thiểu 25 km/h. Không quá 30 km/h tại những góc cua.

2) Công thức tính toán mức tiêu hao nhiên liệu:

Mức tiêu hao nhiên liệu = Quãng đường chạy ÷ (Lượng nhiên liệu tiêu thụ ÷ Tỷ trọng nhiên liệu).

3) Quãng đường và Thời gian chạy

[Hạng mục Xe tự chế]

Số vòng

8 vòng (~9,5 km)

Thời gian

~ 22 phút 24 giây

* Nếu hết thời gian quy định, phương tiện sẽ về đích tại vòng chạy đó, dù đã hoàn thành bao nhiêu vòng.

* Quãng đường chạy và thời gian chạy chính thức sẽ được công bố vào ngày thi đấu.

Nguyên tắc cơ bản trên đường chạy là “xe có tốc độ chậm hơn sẽ chạy ở làn bên phải”. Trường hợp có nhiều xe chạy nối nhau trên đường, Lái xe phải hết sức tuân thủ các quy định cũng như chấp hành và đảm bảo an toàn của các thành viên khác.

Điều 2. Cung cấp nhiên liệu

Vào ngày thi đấu chính thức, Ban tổ chức sẽ cung cấp nhiên liệu cho các đội tham gia và cho các đội mượn bình nhiên liệu chính thức.

(Xem Chương 3, Mục 2, Điều 2: Bình nhiên liệu)

Điều 3. Đo lượng nhiên liệu ban đầu

Mỗi đội tham dự sẽ đo lượng nhiên liệu ban đầu được cung cấp. Sau khi đo nhiên liệu, Đội trưởng sẽ ký vào phiếu kiểm tra của ngày thi đấu chính thức mà Ban tổ chức phát tại thời điểm Đăng ký đầu ngày.

Điều 4. Xuất phát

1)  Về nguyên tắc, mỗi xe xuất phát một lúc theo thứ tự bốc thăm.

2)  Các xe phải dừng trước vạch xuất phát và bóp phanh. Xe phải xuất phát ngay sau khi cờ xuất phát được phất lên.

3)  Thời gian sẽ được tính ngay khi xe vượt qua vạch đo lường mà cách vạch xuất phát 2m.

4)  Nếu xe không thể xuất phát trong vòng 10 giây sau hiệu lệnh xuất phát, xe được phép Xuất phát lại.

5)  Khoảng thời gian được phép xuất phát được xác định trong vòng 10 phút từ thời điểm chiếc xe cuối cùng của nhóm xuất phát.

[Xuất phát lại]

Nếu phương tiện không thể khởi động trong vòng 10 giây hoặc dừng lại trong vòng 10m kể từ vạch xuất phát, xe được phép xuất phát lại một lần duy nhất. Trong trường hợp này, Ban tổ chức sẽ thông báo về việc xuất phát lại, và phương tiện phải được di chuyển ngay lập tức theo sự hướng dẫn của Ban tổ chức.

Xe xuất phát phải di chuyển vào khu vực chờ xuất phát trong vòng 10 phút kể từ khi vượt qua vạch xuất phát.

Các xe được phép xuất phát lại (hợp lệ) sẽ được dán tem “Restart” do BTC cung cấp.

* Việc xuất phát lại sẽ không được phép thực hiện nếu điểm trên cùng đầu xe vượt qua 10m kể từ vạch xuất phát.

Điều 5. Dừng xe khi đang thi đấu

1)  Trong quá trình thi đấu, nếu phương tiện dừng lại vì tai nạn hay sự cố, người lái xe phải đẩy xe vào lề phải đường đua một cách an toàn.

2)  Để đảm bảo sự an toàn trên đường đua, Ban tổ chức có thể buộc di chuyển xe đang dừng ra khỏi đường đua và loại xe đó ra khỏi cuộc thi.

3)  Trường hợp gặp sự cố, phương tiện chỉ có thể tiếp tục thi đấu nếu người lái xe có đủ khả năng khởi động lại phương tiện một mình (độc lập) trong vòng 30 giây. Sau 30 giây, nếu phương tiện không thể khởi động được thì phương tiện sẽ bị dừng thi đấu.

4)  Nếu phương tiện gặp sự cố và không thể tiếp tục thi đấu, đội thi phải thông báo ngay lập tức sự bỏ cuộc của mình tới Ban tổ chức.

(Xem Điều 8: Bỏ cuộc)

Điều 6. Về đích

1)  Một phương tiện được xem là đã về đích khi phương tiện có gắn thiết bị đo tự động vượt qua vạch đích.

2)  Người lái xe có thể tắt động cơ và để phương tiện trôi theo quán tính, để tránh va chạm với phương tiện phía sau, phương tiện đã về đích phải di chuyển tới khu vực kiểm tra với tốc độ an toàn và không dừng lại trên đường chạy.

* Khu về đích và khu vực kiểm tra thường có đông phương tiện và con người, vì vậy người lái xe phải giảm tốc độ và di chuyển cẩn thận.

3)  Dưới sự hướng dẫn của Ban tổ chức, lái xe cần phải xả khí tối thiểu 2 lần để kiểm tra bơm ở trạng thái đóng mở bình thường. Tiếp theo, đội trưởng kiểm tra đường ống, đóng khóa dẫn nhiên liệu, cắt ống nhiên liệu và tháo bình nhiên liệu khỏi phương tiện.

Tất cả các thủ tục trên sẽ không được phép thực hiện nếu không có sự có mặt của thành viên Ban tổ chức.

4)  Trường hợp nhiệt độ của nhiên liệu tăng quá cao có thể dẫn tới các sai sót khi đo nhiên liệu, Ban tổ chức sẽ đưa ra các hướng dẫn để làm hạ nhiệt của nhiên liệu.

5)  Trong một số trường hợp, phương tiện có thể bị tạm giữ hoặc kiểm tra lại theo yêu cầu của Ban tổ chức.

Điều 7. Đo nhiên liệu sau khi về đích

Lượng nhiên liệu cần được đo lường ngay sau khi bình nhiên liệu được tháo ra khỏi phương tiện sau khi về đích.

Lượng nhiên liệu tiêu hao được tính theo công thức: [Khối lượng ban đầu – Khối lượng sau khi về đích]

Điều 8. Không xuất phát / Bỏ cuộc

Phương tiện được coi là “Không xuất phát” khi không thể khởi động trước khi xuất phát vào đường thi, và phương tiện được coi là “Bỏ cuộc” khi phương tiện không có đủ khả năng tiếp tục chạy khi đã ở trên đường thi đấu.

1)  Nếu phương tiện không thể khởi động trước khi cung cấp nhiên liệu, hoặc phương tiện không thể khởi động sau khi đã cung cấp nhiên liệu nhưng trước khi xuất phát, đội thi phải hoàn thiện và nộp mẫu Không xuất phát / Bỏ cuộc và gửi lại Ban tổ chức tại Quầy thông tin.

2)  Khi phương tiện không thể tiếp tục hoạt động khi đã ở đường thi đấu, đội tham dự phải thông báo với Ban tổ chức về việc rút lui khỏi cuộc thi, điền các thông tin vào mẫu Đơn Không xuất phát / Bỏ cuộc và gửi lại Ban tổ chức tại Quầy thông tin.

Trong trường hợp bỏ cuộc, các văn bản và hạng mục cần thiết khác liên quan tới kết quả cuộc thi cần được nộp tại các khu vực cụ thể dưới đây:

-Phiếu kiểm tra của ngày thi đấu chính thức: Nộp tại Quầy thông tin

-Bình nhiên liệu: Trả lại tại khu vực cung cấp nhiên liệu.

-Thiết bị đo tự động: Trả lại tại khu vực nhận thiết bị đo tự động.

Điều 9. Không công nhận kết quả

Bất kỳ phương tiện nào vi phạm các Quy định về phương tiện tại Chương 3 hoặc vi phạm bất kỳ điều nào dưới đây trong ngày thi chính thức đều không được công nhận kết quả.

1)  Sử dụng nhiên liệu khác nhiên liệu chính thức được cung cấp.

2)  Bổ sung nhiên liệu trong quá trình thi đấu.

3)  Phương tiện bị xác định là cố tình cản đường phương tiện khác.

4)  Phương tiện sử dụng động năng không do nguồn nhiên liệu chính sinh ra. Ví dụ như điện năng dự trữ, sử dụng các năng lượng khác ngoài nhiên liệu chính thức hoặc sử dụng sức người.

5)  Số vòng chạy lớn hơn hoặc nhỏ hơn số vòng quy định.

6)  Phương tiện không thể về đích trong thời gian quy định.

7)  Cố tình trì hoãn thời gian xuất phát.

8)  Phương tiện xuất phát mà chưa được kiểm tra hoặc chưa kiểm tra phương tiện trước khi xuất phát.

9)  Khóa xăng, ống dẫn xăng,… của hệ thống nhiên liệu bị cố ý tác động trong quá trình thi đấu.

10)  Vi phạm các thông báo, nhắc nhở của Ban tổ chức từ lần thứ 3 trở lên, như điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện ở khu vực không được phép, chạy vào đường chạy chính khi không được phép,…

* Ngoài các điều kiện trên, bất kỳ đội nào không tuân thủ theo hướng dẫn của Ban tổ chức sẽ không được ghi nhận kết quả.

* Biên bản loại ra khỏi cuộc đua được lập ngay tại chỗ với sự chứng kiến của thành viên Ban tổ chức và Đội trưởng.

Điều 10. Xếp hạng

Thứ hạng sẽ được xác định như sau:

1) Mức tiêu thụ nhiên liệu càng ít, thứ hạng càng cao.

2) Nếu hai hay nhiều phương tiện có cùng mức tiêu thụ nhiên liệu, phương tiện nào chạy với tốc độ trung bình cao hơn sẽ xếp thứ hạng cao hơn.

3) Nếu hai hay nhiều phương tiện từ mục 2 có cùng mức tốc độ trung bình như nhau, phương tiện nào có người lái nặng cân hơn sẽ xếp thứ hạng cao hơn.

Điều 11. Giải thưởng

Các đội thắng giải sẽ được lựa chọn trong số các đội hoàn thành vòng thi chính thức.

Giải thưởng tại mỗi nhóm được trao cho các đội có thứ hạng như sau:

Nhóm I:    từ 1 tới 5

Nhóm II:   từ 1 tới 3

Nhóm III:  từ 1 tới 2

* Trường hợp một đội bị loại sau Lễ trao giải, đội ở vị trí tiếp theo sẽ không được thay thế.

* Số lượng giải có thể được thay đổi tùy thuộc vào số lượng đăng ký.

* Chi tiết giải thưởng được công bố chính thức trên website cuộc thi.

Điều 12. Kháng nghị

1) Đội trưởng có thể gửi Đơn Kháng nghị dưới dạng văn bản kèm theo chi phí kháng nghị về Văn phòng Ban tổ chức. (Không kháng nghị đối với cá nhân thành viên Ban tổ chức hoặc cá nhân nhân viên các bộ phận trong cuộc thi).

2) Đơn kháng nghị phải được gửi trong vòng 15 phút kể từ khi công bố kết quả tạm thời.

3) Không chấp nhận các kháng nghị chống lại các đội khác. Không chấp nhận bất kỳ sự kháng nghị nào mang tính vu khống hay không có chứng cứ chính xác.

4) Quyết định đưa ra cho kháng nghị sẽ là kết luận cuối cùng.

5) Đội kháng nghị phải đặt cọc 1.000.000 đồng, và số tiền này sẽ không được hoàn trả, trừ khi kháng nghị là chính xác.

Điều 13. Quyền của Ban tổ chức và các vấn đề khác

1) Ban tổ chức có những quyền dưới đây:

a. Quyền đình chỉ, hủy bỏ, hoãn hoặc thay đổi cuộc thi do những điều kiện không lường trước được, bao gồm điều kiện thời tiết.

b. Quyền áp dụng các hình phạt, bao gồm loại bỏ, đối với bất kỳ đội thi nào bị kết luận có lợi thế không công bằng thông qua bất kỳ hành động vi phạm các quy định của cuộc thi hoặc quy định về phương tiện; bất kỳ đội nào cố tình làm hỏng hay phá hủy phương tiện của đội khác; bất kỳ đội nào cố tình đi không đúng đường chạy chính thức; bất kỳ đội nào có các hành động cố tình tác động vào mức tiêu thụ nhiên liệu, đặc biệt là lực truyền; hoặc bất kỳ ai có bất kỳ hành động nào bị cấm như đã nêu trong quy định cuộc thi.

c. Ban tổ chức có thể chấp thuận hay từ chối Đơn đăng ký tham dự mà không phải đưa ra lý do cụ thể về quyết định đó.

d. Ban tổ chức được quyền quyết định các quy định về cuộc thi và phương tiện. Nếu có bất kỳ nghi ngờ hay câu hỏi nào liên quan đến các quy định hoặc bất kỳ vấn đề nào không được nêu ở đây, Ban tổ chức được phép đưa ra những đánh giá và bổ sung thêm quy định.

2) Người dự thi chịu trách nhiệm về bất kỳ chấn thương cá nhân và thiệt hại về vật chất có thể có trong quá trình tham gia cuộc thi.

3) Các quy định chi tiết về tổ chức cuộc thi mà chưa được miêu tả trong quy định và hướng dẫn cho đội tham dự, bất kỳ hướng dẫn cần thiết nào phát sinh sau khi các quy định này được ban hành hoặc các điều khoản sửa đổi sẽ được thông báo chính thức tới các đội thi. Thông báo chính thức sẽ sử dụng môt trong trong các phương cách sau đây:

a. Gửi thư qua đường bưu điện hoặc email tới địa chỉ của Đội trưởng.

b. Thông báo trên website chính thức của cuộc thi.

c. Dán trên bảng tin vào ngày thi đấu.

d. Thông báo trong cuộc họp lái xe.

3. Trường hợp khẩn cấp sẽ được thông báo trên phương tiện thông tin công cộng.

Việc vi phạm bất kỳ quy định chi tiết nào trong thông báo chính thức cũng sẽ bị coi là bằng chứng dẫn tới việc không công nhận kết quả.

Điều 14. Cờ sử dụng trong cuộc thi

Những màu cờ dưới đây sẽ được sử dụng trong cuộc thi.

Tất cả các thành viên đội cần ghi nhớ các màu cờ này và tuân thủ khi lái xe.

Cờ xuất phát

Xuất phát

Các phương tiện phải xuất phát trong vòng 10 giây sau khi cờ xuất phát được phất.

Cờ trắng

Xe cứu trợ (như xe cấp cứu hay đội cứu trợ) đang trên đường đua. Hãy thận trọng khi lái xe.

Cờ vàng

Nguy hiểm phía trước: Kiểm tra an toàn và chú ý phía trước.

Cảnh báo về những nguy hiểm phía trước, như một xe đua bị dừng lại.

 

Cờ xanh

Một phương tiện chạy với tốc độ nhanh hơn đang cố gắng vượt qua xe của bạn. Hãy chú ý đến tình hình phía sau bạn nhưng đừng thay đổi đường chạy.

Cờ đen
(Loại bỏ)

 

Loại khỏi thi đấu

Được sử dụng cùng với một biển báo số của phương tiện.  Phương tiện với số đó phải lập tức dừng xe bên ngoài đường đua và các thành viên của đội phải tuân thủ hướng dẫn của Ban tổ chức.

Cờ đỏ

 

Gián đoạn, tạm dừng hoặc hủy bỏ cuộc thi. Người lái xe cần nhanh chóng tiến về vạch đích một cách cẩn trọng.

Cờ ca rô

Về đích

 

 CHƯƠNG III

QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG TIỆN

 Các quy định sau đây được áp dụng đối với phương tiện tham gia cuộc thi. Đội thi cần lưu ý các khác biệt giữa Xe tự chế và Xe thị trường.

MỤC I. QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG TIỆN

Điều 1. Thân xe

1) Phương tiện tham gia cuộc thi phải có từ 3 bánh xe trở lên, và có kết cấu vững chãi dù đang chuyển động hay đứng yên. Tất cả các bánh xe phải tiếp xúc với mặt đất khi phương tiện đứng trên bề mặt phẳng.

 

 

a. Chiều cao tổng thể: tối đa 1,8m

b. Khoảng cách giữa trục trước và trục sau: tối thiểu 1m

c. Chiều dài tổng thể: tối đa 3,5m

d. Khoảng cách giữa hai bánh xe: tối thiểu 0,5 m

e. Chiều rộng tổng thể: tối đa 1,7 m

f. Ống xả phải nhô ra phía sau nhưng không quá 5 cm.

* Lưu ý: khí thải phải được xả ra từ đuôi xe.

2) Vấn đề an toàn

·    Để nâng cao độ an toàn, thân xe cần được thiết kế sao cho điểm đầu mũ bảo hiểm của người lái xe phải nằm sau trục bánh trước khi xe chạy. Nghiêm cấm áp dụng các thiết kế mà đầu người lái xe chịu tác động trực tiếp khi xảy ra va chạm.

·    Phương tiện phải được thiết kế sao cho trong tư thế lái xe, chân của người lái xe không bị vượt ra ngoài khung xe (sàn xe). Nghiêm cấm các thiết kế mà cơ thể người lái xe chịu tác động trực tiếp khi xảy ra va chạm.

Ngoài ra, để nâng cao an toàn, phương tiện phải được thiết kế sao cho cơ thể và hai chân tách biệt với mặt đường.

3) Lắp bình nhiên liệu

·    Bình nhiên liệu do Ban tổ chức cuộc thi cho mượn phải được lắp vào phương tiện theo Điều 3 của Mục 2 trong Quy định về phương tiện.

·    Phương tiện cần được thiết kế sao cho việc điều chỉnh nhiên liệu có thể tiến hành mà không cần phải tháo lớp vỏ bên ngoài.

4) Góc lái

Phương tiện tham gia cuộc thi cần phải có bán kính quay vòng tối đa 5m.

Điều 2. Thiết bị đo tự động

Thiết bị đo tự động (thiết bị truyền tín hiệu sử dụng cho việc đo lường tự động) do Ban tổ chức cho mượn sẽ được gắn lên vị trí quy định bằng phương pháp chỉ định.

[Gắn thiết bị đo tự động]

 

Kích thước: rộng     37.6 mm

                 dài       33 mm

                 độ dày 18.7 mm

[Vị trí gắn]

Thiết bị đo tự động sẽ được gắn phía bên phải trong phạm vi 40 cm kể từ đầu thân xe.

* Để thuận lợi cho việc thu nhận tín hiệu, thiết bị đo tự động phải được gắn bên ngoài vỏ xe để đảm bảo tín hiệu được truyền tải một cách tốt nhất.

* Đối với các đội gắn thiết bị đo tự động bên trong xe, Ban tổ chức sẽ yêu cầu di chuyển và gắn ra ngoài vỏ xe, vì trong một số trường hợp, việc đo lường có thể không chính xác do tín hiệu yếu.

[Phương pháp gắn thiết bị]

1.  Thiết bị đo cần được gắn sao cho chiều dài của thiết bị đo nằm song song với mặt đất.

2.  Trường hợp thân xe tách thành phần thân trên và thân dưới riêng rẽ, thiết bị đo tự động sẽ được gắn vào phần thân dưới.

3.  Thiết bị đo phải được gắn sao cho không bị rơi ra khi phương tiện chuyển động.

4.  Nên sử dụng vòng buộc để gắn thiết bị. Nếu không có vòng buộc, có thể sử dụng băng dính, nhưng chỉ được phép sử dụng băng dính trong.

Nếu sử dụng băng dính để gắn thiết bị đo, thiết bị cần được bọc trong một túi nhựa hoặc vật liệu tương tự để tránh phần keo dính lên thiết bị khi trả lại cho Ban tổ chức.

5. Không để bất kỳ vật thể nào giữa thiết bị đo và mặt đường (bên dưới thiết bị đo) mà có thể gây nhiễu sóng, ví dụ như những vật được làm từ các chất liệu dưới đây:

·    Tấm kim loại (bao gồm cả nhôm)

·    Lưới kim loại

·    Tấm nhựa (bao gồm cả sợi cacbon)

6. Các xe có thân làm từ sợi carbon có xu hướng hấp thụ sóng radio. Đối với xe này, cần duy trì khoảng cách 3-4 cm giữa thiết bị đo và thân xe khi gắn thiết bị bằng cách sử dụng các mảnh xốp cách nhiệt.

7. Trường hợp thiết bị đo được bọc ngoài, vỏ bọc phải trong suốt và dễ tháo lắp.

[Cất giữ thiết bị đo tự động]

Thiết bị đo cần được cất giữ cẩn thận và các Tivi hoặc máy vi tính ít nhất 1,5m để tránh cạn pin của thiết bị đo.

[Trả lại thiết bị đo tự động]

Sau khi cuộc thi kết thúc, phải trả lại thiết bị đo tự động tại khu vực giao nhận ban đầu. Phương tiện đã bỏ cuộc vẫn phải trả lại thiết bị đo tự động tại khu vực trên.

Nếu thiết bị đo không được trả lại, bị hư hỏng hoặc mất, đội thi phải thanh toán cho Ban vị tổ chức một khoản chi phí thực tế là 1.500.000 đồng.

Điều 3. Số xe

Số xe do Ban tổ chức cung cấp sẽ được dán lên phương tiện tại 3 vị trí dễ nhìn: hai bên thân xe và ở phía trước xe, mỗi vị trí 1 chiếc. Ngoài ra, biểu tượng cuộc thi sẽ được dán phía trước, gần số phương tiện. Số xe sẽ không được dán gần bất kỳ số xe hay biểu tượng của các cuộc thi khác.

Nếu số xe bị tróc hoặc bị mất trong quá trình thi đấu, kết quả thi đấu sẽ không được công nhận.

 

 

                               

 

                Đường kính 8cm

 

 

 Tấm dán 2 bên:       27cm x 27cm

 Tấm dán phía trước: 15cm x 10cm

Điều 4. Động cơ

Sử dụng động cơ 4 thì, 110cc do Honda Việt Nam sản xuất. Được phép thực hiện các thay đổi tuân thủ theo các quy định dưới đây:

·    Dung tích buồng đốt phải đảm bảo giống động cơ từ 108~110cc của Honda Việt Nam (đảm bảo đường kính xi lanh và hành trình piston theo đúng thông số kỹ thuật gốc) và động cơ phải được hút khí tự nhiên.

(Ban tổ chức có quyền kiểm tra dung tích động cơ đảm bảo đúng quy định).

·    Dầu bôi trơn phải đảm bảo không rò rỉ vào lốp xe, phanh, ... hoặc ra đường chạy.

·    Các tấm chắn dầu phải ngăn không cho dầu bôi trơn rò rỉ ra ngoài phương tiện.

·    Các tấm chắn phải có kích thước đủ lớn và phải được lắp đặt sao cho có thể chống nước chảy vào, hoặc chống rung khi phương tiện đang chạy.

 [Xác định dung tích động cơ]

Dung tích động cơ được tính toán theo công thức về thể tích xy lanh. Đối với xy lanh, đường kính là đường kính bên trong và khoảng chạy pittong là khoảng cách giữa điểm chết trên và điểm chết dưới.

Dung tích (cc) = (D x D x 3,14 x C ÷ 4) x số xy lanh

D = đường kính (cm)

C = hành trình pittiong (cm)

Dung tích sẽ được làm tròn đến 1 chữ số thập phân

Điều 5. Phanh

Mỗi xe được trang bị 2 hệ thống phanh, mỗi hệ thống phanh phải có bộ điều khiển riêng đảm bảo phanh an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, ngàm phanh và má phanh cũng cần được lắp đặt để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cần phanh được lắp đặt đảm bảo không bị lỏng lẻo và phải được gắn cố định trên hệ thống lái trong khi thi đấu.

 [Thử phanh trong quá trình kiểm tra phương tiện]

Vào ngày thi đấu, các đội thi thuộc Hạng mục Xe tự chế sẽ phải tiến hành kiểm tra phanh bằng tấm thử phanh. Phanh của các phương tiện tham gia phải đảm bảo hoạt động hiệu quả ngay cả khi xe đã hoàn thành xong phần thi của mình và về đích.

«Phương pháp kiểm tra phanh»

1)    Lái xe vào vị trí lái, để xe trong trạng thái có thể chạy và điều khiển xe vào vị trí thử phanh.

2)    Khi người lái xe bóp phanh, các thành viên của đội sẽ nâng phía sau tấm thử phanh nghiêng 20% (11º).

3)    Thành viên Ban tổ chức xác nhận phương tiện không di chuyển khi tấm thử phanh được nâng lên.

 

 

Điều 6. Thiết bị khởi động

1) Mỗi xe phải được trang bị một thiết bị khởi động sao cho người lái xe có thể khởi động động cơ trong tư thế lái xe thông thường.

2) Phương tiện không được thiết kế để xe bị đẩy về phía trước bởi sự vận hành của thiết bị khởi động. Nếu xe trang bị hệ thống truyền động thủ công (côn tay), thiết bị khởi động chỉ được sử dụng khi không có ly hợp.

    Ví dụ: Sử dụng công tắc để mô tơ đề chỉ khởi động khi côn tay được bóp.

Điều 7. Ắc quy

Ắc quy sử dụng trên xe là loại ắc quy 5Ah đang được bán trên thị trường.

Điều 8. Tầm nhìn phía trước

Người lái xe, ở tư thế lái xe thông thường, phải không bị cản trở tầm nhìn phía trước, góc nhìn bên trái – phải đảm bảo tối thiểu 90º mà không cần gương, kính viễn vọng,... Trong trường hợp trời mưa, kính chắn gió phía trước có thể bị mờ, cần có các hành động thích hợp, chẳng hạn như tháo bỏ kính chắn gió.

90 độ hoặc cao hơn 


Điều 9. Tầm nhìn phía sau

(Gương chiếu hậu)

Để đảm bảo khả năng quan sát phía sau, mỗi phương tiện phải được trang bị gương chiếu hậu có khung, ở cả bên trái và phải. Diện tích gương chiếu hậu ở mỗi bên tối thiểu là 40 cm2 (Ví dụ: cao 5cm x rộng 8cm).

Kích thước tham khảo

Chiều dọc

                                                                  Chiều ngang

                                       

Người lái xe, ở tư thế lái thông thường, phải đảm bảo nhìn được trạng thái của phương tiện di chuyển ở phía sau.

Trong trường hợp trời mưa, nếu kính chắn gió bị mờ, phải có các hành động thích hợp, như tháo bỏ kính chắn gió.

Điều 10. Đảm bảo an toàn

1.  Toàn bộ hoặc một phần phương tiện có thể được bao phủ bởi nắp capo có thể tháo-lắp, nhưng phải dễ dàng và nhanh chóng lắp và mở capo từ bên trong và bên ngoài xe.

Người lái xe phải có khả năng tháo bỏ nắp capo một cách thủ công, không có dụng cụ hỗ trợ, để thoát ra ngoài ngay lập tức khi có tình huống nguy hiểm xảy ra, chẳng hạn như gặp tai nạn.

Các phương tiện có cấu trúc mà gây trở ngại cho người lái xe trong việc thoát khỏi phương tiện ngay lập tức thì bị cấm thi đấu nhằm đảm bảo sự an toàn cho người lái xe.

Ngoài ra, thành viên Ban tổ chức hoặc thành viên đội phải có thể nhanh chóng tháo bỏ nắp capo ngay lập tức và giải cứu lái xe khỏi phương tiện trong trường hợp nguy hiểm, chẳng hạn như tai nạn.

Vì lí do trên, một sự hướng dẫn (mũi tên) chỉ ra vị trí mở và cách mở nắp  capo, như hình bên dưới, sẽ được sơn hoặc gắn để chỉ dẫn hướng mở nắp capo nhanh chóng. Màu sơn hay tấm dán cần được phân biệt rõ ràng với mầu nền của khu vực đặt mũi tên.


Dấu mũi tên phải được thể hiện nổi bật so với màu của vị trí gắn mũi tên

2) Để đề phòng cháy trong khi lái xe, một vách ngăn hoặc tấm chắn được lắp trong buồng lái để tách biệt với khu động cơ và người lái. Vách ngăn này phải cao hơn đỉnh động cơ và đủ rộng để bảo vệ người lái nếu có cháy xảy ra trong khu động cơ. Tấm ngăn phải được làm bằng chất liệu chống cháy.

* Vách ngăn này có thể gắn liền với ghế ngồi.

 

 

3) Xe không được có các cạnh sắc hay chỗ nhô ra để tránh những thương tổn có thể có đối với người lái xe hay các thí sinh khác.

4) Xe phải có đủ độ ổn định và vững chãi.

* Lưu ý: Cần cẩn trọng khi sử dụng bánh xe đạp vì bánh xe đạp thường không đủ cứng vững để chống lại lực bên và dễ bị hỏng khi vào cua.

MỤC II. HỆ THỐNG NHIÊN LIỆU

Điều 1. Nhiên liệu

Vào ngày thi đấu chính thức của cuộc thi, các đội tham dự chỉ được phép sử dụng nhiên liệu chính thức do Ban tổ chức cung cấp.

Điều 2. Bình nhiên liệu

Trong cuộc thi, các đội chỉ được phép sử dụng bình nhiên liệu do Ban tổ chức cho mượn. Hình dạng của bình nhiên liệu được mô tả như hình vẽ sau:

* Trong trường hợp bình nhiên liệu bị hư hỏng, bên làm hỏng phải đền bù một khoản tiền là 2.000.000 VNĐ cho Ban tổ chức, bất kể lý do gây hư hỏng là gì.

Điều 3. Gắn bình nhiên liệu

1.  Mỗi đội tự chế tạo thiết bị riêng để gắn bình nhiên liệu. Bình nhiên liệu có thể được gắn bằng bất kỳ cách nào, nhưng không nên sử dụng vật liệu dính, đặc biệt là băng dính keo, và cách lắp bình nhiên liệu cần đảm bảo sao cho có thể dễ dàng tháo ra, chẳng hạn như sử dụng dây cao su. Bình nhiên liệu được lắp sao cho vạch tham chiếu nằm ngang.

2.  Phương tiện cần được thiết kế sao cho bình nhiên liệu có thể dễ dàng kiểm tra bằng mắt từ cạnh bên của phương tiện ngay trước khi chạy trong đường thi đấu và sao cho việc điều chỉnh nhiên liệu có thể dễ dàng thực hiện mà không cần tháo lắp nắp capo.

3.  Toàn bộ hệ thống nhiên liệu phải được thiết kế sao cho người lái xe không thể chạm tới khi đang lái xe.

4.  Đường ống dẫn từ bình nhiên liệu đến bộ chế hòa khí và từ chế hòa khí hay bơm nhiên nhiệu đến động cơ phải là đường ống trong suốt, không bị ăn mòn bởi xăng và có chiều dài tối thiểu cần thiết. Đường ống phải đi thẳng, các phụ kiện cho hệ thống cũng phải bố trí theo đường thẳng nhất có thể. Ống dẫn phải được lắp

5.  sao cho không có bọt khí, hơi nước, hơi nhiên liệu ở bên trong, cũng như có khả năng dễ dàng kiểm tra không có bọt khí trong ống.

Ngoài ra, phải sử dụng d khi nối ống dẫn nhiên liệu với bình xăng để đảm bảo không bị tuột rời ống dẫn nhiên liệu.

 
 

Nếu xe sử dụng chế hòa khí, vị trí của khóa bình nhiên liệu phải cao hơn đầu vào buồng phao của bộ chế hòa khí.

6.  Toàn bộ hệ thống nhiên liệu phải nhìn thấy được khi tháo bình nhiên liệu sau khi về đích.

Điều 4. Chế hòa khí

Nếu chế hòa khí có buồng phao, phải có một đường ống thoát để thoát nhiên liệu trong buồng phao, tuyệt đối không được tác động hay bịt với chế hòa khí đã có sẵn ống thoát.

Điều 5. Đảm bảo tốc độ dòng chảy nhiên liệu ở xe sử dụng chế hòa khí

Tốc độ dòng chảy tự nhiên của nhiên liệu từ bình nhiên liệu đến buồng phao chế hòa khí phải đạt tối thiểu 1 lít/giờ.

Điều 6. Phun xăng điện tử

Đối với các đội sử dụng Phun xăng điện tử, bắt buộc phải sử dụng bơm màng khí áp lực cao do Công ty Honda Việt Nam cung cấp. Không chấp nhận các trường hợp dùng bơm màng không có xuất xứ từ Honda Việt Nam (Sơ đồ Quy định sử dụng bơm màng theo phụ lục 1)

Điều 7. Cải tạo hệ thống nhiên liệu

Cấu trúc, thiết kế của toàn bộ phương tiện phải được gửi tới Ban tổ chức cùng với Báo cáo phương tiện. Ngoài ra, trong trường hợp đội thi sử dụng van điện từ làm bộ phận ngắt nhiên liệu, thì hệ thống này cần phải được miêu tả chi tiết trong Báo cáo Phương tiện và nộp tới Ban tổ chức.

Điều  8. Hệ thống ngắt nhiêu liệu

- Nếu đội thi sử dụng van điện từ làm bộ phận ngắt nhiên liệu hoặc bơm màng khí áp lực cao, hệ thống phải được thiết kế sao cho điều khiển van điền từ hoặc các loại van tương tự ở trạng thái mở khi công tắc đánh lửa (nguồn) ở trạng thái mở (on) và ngược lại, công tắc đánh lửa (nguồn) về trạng thái tắt (off) thì van điện từ hoặc các loại van tương đươc cũng phải ở trạng thái tắt (off)

- Hệ thống bơm nhiên liệu phải đặt đằng sau khoang động cơ (khu vực bánh sau), trừ đường ống dẫn xăng từ hệ thống bơm vào động cơ để chống cháy nổ.

Điều 9. Ống dẫn nhiêu liệu

·    Dung tích của hệ thống nhiên liệu không được thay đổi trong quá trình thi đấu.

·    Đối với bơm cao áp trong hệ thống nhiên liệu, nên sử dụng đường ống cao áp để phòng tránh vỡ khi áp suất cao. Phải sử dụng đường ống nhiên liệu sao cho không khí hay nhiên liệu bay hơi không thể tích tụ bên trong.

·    Đường kính ngoài của ống dẫn nhiên liệu không được lớn hơn 10mm. 

·    Độ dài của ống dẫn nhiên liệu phải ở mức cần thiết tối thiểu, giữa các chỗ nối phải dùng kẹp kim loại chắc chắn tránh bị tuột chỗ nối (xem mục 4, điều 3)

Tham chiếu vị trí vòng tròn đen bên hình vẽ sau:

 

Điều 10. Những vấn đề cấm

1) Nghiêm cấm điều khiển xe tự chế đã thay đổi tham gia vào hệ thống giao thông công cộng.

2) Nghiêm cấm các hoạt động sửa chữa trên đường bao cạnh đường đua. Nếu xe bị hỏng hóc, cần phải sửa chữa thì phải nhanh chóng di chuyển về khu vực lều chờ.

3) Nghiêm cấm làm mát nhiên liệu, Ban tổ chức sẽ kiểm tra nhiệt độ nhiên liệu trước khi xuất phát, nhiệt độ nhiên liệu với nhiệt độ môi trường bằng cách đo bằng máy hoặc nhiệt kế

    Chỉ được sử dụng nhiên liệu chính thức do Ban tổ chức cung cấp. Cấm sử dụng bất kỳ loại nhiên liệu nào khác.

    Cấm sử dụng bất kỳ chất phụ gia nào.

4) Cấm làm tăng hoặc giảm áp suất bình nhiên liệu.

5) Cấm làm tăng áp suất bình nhiên liệu và ống dẫn nhiên liệu trực tiếp hoặc gián tiếp.

6) Điều áp của hệ thống bơm cần được đảm bảo trong chính hệ thống. Việc cấp xăng cho hệ thống bơm phải đảm bảo chỉ nhận lượng nhiên liệu từ bình chứa mà Ban tổ chức cung cấp tới bơm và sau đó tới thẳng vòi phun và không được phép có một bình chứa phụ nào xung quanh hệ thống bơm.

7) Hệ thống không được phép trang bị bất kỳ thiết bị nào có khóa áp suất đường ống mà có thể ngắt dòng chảy của nhiên liệu (Chỉ duy nhất một van điện từ để điều khiển đóng, ngắt khí cho trong hệ thống bơm màng, không được sử dụng van điều khiển bằng tay).

8) Bình nhiên liệu không được lắp đặt khiến cho vạch tham chiếu không ngang cùng mức.

9) Cấm lắp đặt động cơ điện mà có thể truyền động lực đến phương tiện.

10) Cấm bất kỳ cấu trúc hoặc hành động có thể làm sai lệch giá trị đo lường.

11) Nghiêm cấm việc dùng các dụng cụ có thể bị ăn mòn hoặc dễ bắt lửa như chai nhựa để chứa xăng

12) Nghiêm cấm tất cả các hành vi, thiết kế, điều chỉnh… có thể truyền động lực cho phương tiện mà không gây tiêu hao nhiên liệu.

13) Nghiêm cấm không được kết nối bất kì đường ống nào vào trước và sau cổ hút của động cơ. Chỉ có duy nhất đường ống dẫn xăng vào buồng đốt. Đối với bầu lọc gió thiết kế riêng biệt, không có tác động hay ảnh hưởng của bất kỳ hệ thống nào của xe.

Nếu đội thi nào vi phạm các điều cấm kể trên, Ban tổ chức có quyền loại đội thi đó ra khỏi cuộc thi và không công nhận kết quả thi.

 

 PHỤ LỤC 01

SƠ ĐỒ SỬ DỤNG BƠM MÀNG

  

 



Trang web của chúng tôi sử dụng cookies để hỗ trợ trải nghiệm của bạn khi truy cập. Bằng việc bấm chọn "CHẤP NHẬN" hoặc tiếp tục truy cập trang web, bạn xác nhận bạn đồng ý với các Điều khoản sử dụng và Chính sách quyền riêng tư của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng bấm vào đây. Nếu bạn không đồng ý, vui lòng tạm ngừng truy cập và cho chúng tôi biết quan ngại của bạn.